Cháu nội người xây Tháp Rùa, làm Bí thư Thành Ủy Hà Nội đầu tiên, là ai?

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 1

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Hiện nay tên ông được đặt cho một con phố ở quận Cầu Giấy, ngay sát bờ con sông thiêng mang hồn cốt người Hà Nội, quê hương ông, sông Tô Lịch.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong sách “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”, Nguyễn Ngọc Kim (Có tài liệu ghi là Nguyễn Hữu Kim) tức “Bá hộ Kim”, hoặc “Thương biện Kim”, chủ cửa hàng khảm trai “Vĩnh Bảo”, ở phố Hàng Khay, quãng trông ra hồ Hoàn Kiếm bây giờ, là người đã xây dựng Tháp Rùa.

Ngọn tháp kết hợp phong cách kiến trúc châu Âu với hàng cửa cuộn gothic hai tầng dưới, nhưng phần mái cong lại theo quy thức kiến trúc cổ Việt Nam. Ngôi tháp được xây dựng trên gò Rùa nơi xưa từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ 17, 18, thì chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì. Trong tháp có một ban thờ, không rõ thờ ai và có từ lúc nào, một số thông tin cho rằng đây là ban thờ cha của Bá hộ Kim, người đã xây dựng Tháp Rùa.

1748181186835.png

Ảnh: Cố Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Vũ.

Về nhân vật Bá hộ Kim, sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883 thì dân vùng ven hồ xiêu tán cả, các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm, riêng có ông Kim, chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt. Ông được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu sau trở thành bá hộ, tục gọi là Bá hộ Kim. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim.

Theo quy luật, dân chúng thời đó không có cái nhìn tích cực, thiện cảm với những ai hợp tác với người Pháp, có thể đó là lý do sản sinh ra giai thoại về mục đích xây dựng Tháp Rùa của ông Kim, kiểu như là xây tháp để che giấu việc toan bí mật táng hài cốt song thân ở dưới nền tháp theo phong thủy, rồi ngay trong đêm trước ngày khởi công xây tháp, các bộ hài cốt đã bị ai đó trộm ném xuống hồ mất tích... Đây là những lời truyền miệng trong dân gian và không có bằng chứng nào xác thực.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, trong bài “Về cuộc tử tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu” đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của báo QĐND, số ra Thứ Bảy, 02/07/2012: “Ông Kim có phẩm hàm “Bá hộ” vì là hào mục làng Cựu Lâu bên hồ Gươm, được chức “Thương biện” vì có lúc đã làm việc cho thực dân Pháp. Song ông lại có con gái (tên là Khuê) tham gia phong trào nhân dân chống Pháp, và có cháu nội tên là Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, hy sinh trong nhà tù “Hỏa Lò” năm 1932”.

Bí thư Thành ủy đầu tiên của thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Vũ, có các tên gọi, bí danh khác là Phan, Phương, Lục (1908 - 1932) là một nhà cách mạng Việt Nam thời tiền khởi nghĩa. Ông sinh ngày 20 tháng 8 năm 1908 trong một gia đình nghèo ở nhà số 300 phố Khâm Thiên, Hà Nội, quê ở làng Cựu Lâu, nay là phố Hàng Khay bên Hồ Gươm. Mẹ ông tên Đàm Thị Liên, quê tại phủ Từ Sơn, Bắc Ninh; cha ông tên Nguyễn Ngọc Toản, là con thứ năm của ông Nguyễn Ngọc Kim, tức bá hộ Kim, người đã cho xây Tháp Rùa tại Hồ Gươm. (Theo cuốn "Phố và đường Hà Nội" của Nguyễn Vinh Phúc, do Nhà xuất bản Giao thông vận tải phát hành năm 2004)

Ông tham gia cách mạng từ khi rất sớm. Năm 1927, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 6 năm 1929, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng và tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội. Ngày 17 tháng 3 năm 1930, Ban Chấp hành lâm thời của Thành đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội được thành lập ở nhà số 42 Hàng Thiếc, gồm 3 người là: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Tháng 4 năm 1930, Đỗ Ngọc Du được Trung ương Đảng điều đi công tác nước ngoài. Đến tháng 6 năm 1930, Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập và Nguyễn Ngọc Vũ giữ vai trò Bí thư Thành ủy. Ngày 6 tháng 12 năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại cơ quan bí mật của thành ủy Hà Nội (79, Nguyễn Hữu Huân). Ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò và bị tra tấn khốc liệt. Nguyễn Ngọc Vũ hy sinh vào đầu năm 1932 tại nhà tù Hỏa Lò, khi mới gần 24 tuổi.

Sau này hài cốt của ông được đưa về chôn tại nghĩa trang gia đình ở làng Quỳnh Lôi, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Đến năm 1968, ông được đưa về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Hiện nay tên ông, Nguyễn Ngọc Vũ, được đặt cho một con phố ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nối tiếp phố Nguyễn Khang từ cầu Trung Kính đến phố Quan Nhân, ngay sát bờ con sông thiêng, con sông mang hồn cốt người Hà Nội, quê hương ông, sông Tô Lịch.

Nguồn: Dân Việt
 

Đính kèm

  • 1748181175672.png
    1748181175672.png
    626.9 KB · Lượt xem: 3


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top