Chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ đã lạc hậu, đến lúc cần thay đổi!

vnrcraw7
Cao Tùng
Phản hồi: 2

Cao Tùng

Thành viên nổi tiếng
Hôm qua tôi có đọc một bài viết của thành viên Home.vn (Rào cản lớn nhất ngăn hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp) phản ánh tình trạng áp chế độ sổ sách kế toán với doanh nghiệp nhỏ quá phức tạp khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tôi thấy khá tâm đắc vì thực tế gia đình cũng đang là một hộ kinh doanh, từng muốn đi đăng ký doanh nghiệp - cái này rất nhanh và đơn giản - nhưng nghe nói đến các hoạt động liên quan đến chế độ kế toán, gia đình tôi đã quyết định thôi.
1746668544704.png

Phải nói rằng, các chế độ sổ sách kế toán với doanh nghiệp nhỏ vẫn theo tinh thần phục vụ cơ quan quản lý, chứ không theo thực tiễn của doanh nghiệp, nhất là khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Nếu điều này được nay đổi, chắc chắn số lượng doanh nghiệp thành lập sẽ vượt kỳ vọng của Chính phủ!
Để tôi giải thích cho nghe: Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay được hướng dẫn chủ yếu theo Thông tư 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 26/8/2016 và có hiệu lực từ 1/1/2017. Thông tư này được xây dựng nhằm đơn giản hóa thủ tục kế toán cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đồng thời cho phép các doanh nghiệp này lựa chọn áp dụng chế độ kế toán của doanh nghiệp lớn theo Thông tư 200/2014/TT-BTC nếu có nhu cầu và thông báo với cơ quan thuế quản lý.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói dù có tinh thần “đơn giản hóa”, hệ thống kế toán theo Thông tư 133 vẫn tiếp tục kế thừa mô hình hành chính hóa, mang nặng tính kỹ thuật kế toán truyền thống, và đến nay – sau gần một thập kỷ – đã bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Quá phức tạp so với năng lực của doanh nghiệp nhỏ

Thông tư 133 quy định chi tiết về nguyên tắc kế toán, lựa chọn đơn vị tiền tệ kế toán, cách ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, danh mục tài khoản kế toán và hướng dẫn lập báo cáo tài chính. Dù đã rút gọn so với Thông tư 200, nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp nắm rõ các nguyên tắc chuyên môn như ghi nhận doanh thu, chi phí theo thời điểm, cách hạch toán tài sản, phân bổ chi phí trả trước, chuyển đổi ngoại tệ, trình bày báo cáo tài chính theo mẫu chuẩn định sẵn...

Trong thực tế, phần lớn doanh nghiệp nhỏ không có bộ phận kế toán chuyên môn. Việc vận hành kế toán thường dựa vào kế toán thuê ngoài hoặc chủ doanh nghiệp tự ghi chép bằng kinh nghiệm, chủ yếu phục vụ việc tính thuế. Yêu cầu họ phải “thông thạo” hệ thống tài khoản kế toán, hiểu và áp dụng chính xác các nguyên tắc tài chính – kế toán như trong Thông tư 133 là không thực tế.
Hơn nữa, hiện nay các hóa đơn, mua bán thông qua máy tính tiền, có thể kết nối với cơ quan thuế, thì các yêu cầu về sổ sách kế toán, chế độ báo cáo cũng cần phải thay đổi, chứ không thể giữ nguyên như trước: in ra, đóng quyển xếp chồng chờ cơ quan thuế kiểm tra. Cách làm này đã lỗi thời, không phải thời của chuyển đổi số!
Gánh nặng hành chính không tương xứng với quy mô và rủi ro

Doanh nghiệp nhỏ thường có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, số lao động dưới 50 người, ít tài sản cố định và mô hình kinh doanh đơn giản. Họ ít khi phát sinh các nghiệp vụ đầu tư, hợp nhất, đánh giá lại tài sản… Nhưng chế độ kế toán hiện hành vẫn buộc họ phải lập đầy đủ các sổ kế toán, chứng từ kế toán, ghi nhận theo từng tài khoản nghiệp vụ, và trình bày báo cáo tài chính với nhiều chỉ tiêu mang tính “báo cáo” hơn là quản trị. Việc bỏ tài khoản 142, chuyển toàn bộ chi phí trả trước sang tài khoản 242, hay chuyển các khoản liên quan đến vàng, bạc, đá quý sang tài khoản hàng tồn kho hoặc đầu tư khác… là những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhưng lại gây rối cho những người không được đào tạo chuyên sâu về kế toán.
Trên thực tế, chủ doanh nghiệp nhỏ không dùng báo cáo tài chính để ra quyết định kinh doanh. Họ quản lý dòng tiền, lợi nhuận, chi phí theo phương pháp trực quan, thực tế – không theo sổ sách kế toán. Việc buộc phải làm kế toán theo chế độ nhà nước áp đặt chủ yếu để “trình” cơ quan thuế, chứ không phục vụ nhu cầu quản trị nội bộ, dẫn đến tình trạng phổ biến: sổ sách kế toán là hình thức, không phản ánh đúng thực tế hoạt động, mà doanh nghiệp vẫn phải làm vừa lãng phí tốn kém, vừa có thể xảy ra rủi ro nếu như báo cáo sai (vì thiếu kiến thức chuyên môn).
Trong khi nền kinh tế số đang phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã số hóa quy trình kinh doanh: bán hàng qua mạng xã hội, sử dụng ví điện tử, hóa đơn điện tử, nền tảng quản lý kho – đơn hàng – khách hàng tích hợp… thì chế độ kế toán vẫn yêu cầu ghi chép thủ công, trình bày theo mẫu cứng nhắc, không cho phép tích hợp linh hoạt với phần mềm kế toán hiện đại hay ứng dụng AI. Việc thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán (ví dụ chuyển từ VNĐ sang USD với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu) cũng phải báo cáo bằng văn bản trong vòng 10 ngày – một quy định thiếu linh hoạt trong thời đại số.
Chính sự phức tạp và hình thức của chế độ kế toán đang khiến nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng lựa chọn hoạt động “nửa chính thức” để tránh gánh nặng thủ tục, vừa làm vừa sợ sai, không dám lớn.
1746668571714.png

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Cả Đảng và Chính phủ đều rất quyết liệt trong phát triển kinh tế tư nhân - đây cũng là một điều tất yếu phải thực hiện để đưa đất nước phát triển hơn nữa. Rất mong các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn hiểu rõ hơn vấn đề của doanh nghiệp nhỏ hiện nay - điều họ cần chưa phải là tiếp cận vốn, đất đai dễ dàng - mà chính là họ sợ những thứ thủ tục họ phải báo cáo khả năng sai sót rất lớn vì không có chuyên môn (thuê vừa mất tiền mà cũng vẫn sợ sai vì không đủ chuyên môn để đánh giá). #Nghịquyết68kinhtếtưnhân
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top