Ông Trump cắt giảm ngân sách USAID: Tồn kho hơn 60.000 tấn thực phẩm viện trợ của Mỹ, nguy cơ bị thối rữa vứt đi

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 0

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Hơn 60.000 tấn thực phẩm cứu trợ của Mỹ đang bị "đắp chiếu" trong các kho tại Mỹ, châu Phi và Trung Đông sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm ngân sách cho Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đầu năm nay.

1747584928090.png

Hàng chục ngàn tấn thực phẩm viện trợ của Mỹ đang tồn kho và sắp hết hạn trong khi hàng triệu người ở các vùng nghèo đói và xung đột không được cứu trợ - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, lượng thực phẩm này trị giá lên đến 98 triệu USD, gồm ngũ cốc, đậu và dầu ăn, vốn được lên kế hoạch phân phối khẩn cấp cho các vùng đói nghèo như Gaza, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Tuy nhiên việc đình chỉ các hợp đồng vận chuyển khiến thực phẩm mắc kẹt tại các kho ở Houston (Mỹ), Djibouti, Durban (Nam Phi) và Dubai. Trong đó, khoảng 500 tấn lương khô sắp hết hạn vào tháng 7 - vốn có thể cứu sống 27.000 trẻ em suy dinh dưỡng.

1747585059399.png

83% chương trình viện trợ của USAID bị hủy

Số thực phẩm hỏng này sẽ được đưa đi tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc trong khi hàng ngàn trẻ em đói nghèo chưa được cứu trợ.

Theo phân tích của Hãng tin Reuters từ số liệu của Chương trình Lương thực thế giới, cơ quan nhân đạo lớn nhất thế giới, số thực phẩm đó có thể nuôi sống hơn 1 triệu người trong ba tháng, hoặc toàn bộ dân số Gaza trong một tháng rưỡi.

Việc chính quyền ông Trump đột ngột cắt giảm nhiều chương trình của cơ quan USAID và hơn 80% ngân sách đã khiến hoạt động viện trợ của cơ quan này gặp nhiều khó khăn.

Các thủ tục nội bộ để phân phối lô hàng bị trì hoãn vì chờ phê duyệt từ Văn phòng Viện trợ nước ngoài do ông Jeremy Lewin đứng đầu - người được tỉ phú Elon Musk bổ nhiệm.

Tình trạng này đang gây hậu quả nghiêm trọng. Tổ chức Action Against Hunger xác nhận ít nhất sáu trẻ em tại Congo đã chết đói sau khi tổ chức phải ngừng hoạt động vì thiếu tài trợ.

Đại diện Ủy ban Cứu trợ quốc tế cũng cảnh báo hơn 60% trẻ em trong các trung tâm điều trị có thể tử vong nhanh chóng nếu không tiếp cận được lương thực và thuốc men kịp thời.

Bà Navyn Salem - nhà sáng lập Edesia, công ty sản xuất thực phẩm trị liệu Plumpy’Nut - cho biết họ đang tồn kho 13 triệu USD thực phẩm chưa thể gửi đi dù nhu cầu đang tăng cao, hy vọng sẽ có giải pháp khẩn cấp để chuyển sản phẩm đến những người đang cần.

Mỹ hiện là nhà tài trợ viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, đóng góp gần 40% tổng ngân sách của Liên hợp quốc.

Việc cắt giảm hơn 80% các chương trình của USAID không chỉ khiến hàng chục ngàn tấn thực phẩm bị lãng phí, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của hàng triệu người đang sống trong vùng xung đột và nghèo đói trên toàn cầu.

Nguồn: Tuổi trẻ
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Thành viên mới đăng

Back
Top