Thấy gì về kỳ thi vào 10 Hà Nội: Khi 8 điểm một môn vẫn trượt, còn 3 điểm một môn lại đỗ

haithanh6688
Thanh Hải Lucky
Phản hồi: 1
Kỳ thi vào 10 Hà Nội: Khi 8 điểm một môn vẫn trượt, còn 3 điểm một môn lại đỗ

Sáng nay, đọc một bài viết trên báo Tiền Phong, tôi thực sự trăn trở. Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm nay lại tiếp tục phản ánh một thực tế về sự chênh lệch quá lớn giữa các trường trong cùng một thành phố, không chỉ về điểm chuẩn mà còn là khoảng cách trong điều kiện học tập, cơ hội giáo dục và nền tảng gia đình.

Có những trường ở nội đô, thí sinh phải đạt trên 8 điểm một môn mới hy vọng đỗ, ví dụ như 8 điểm 3 môn toán – văn – Anh thì năm nay vẫn trượt trường Kim Liên thế nhưng cũng tại Hà Nội, vẫn có những trường mà chỉ cần 3 - 4 điểm mỗi môn là có thể bước chân vào cánh cửa trường công trung học phổ thông. Nhiều người ngạc nhiên, thậm chí đặt dấu hỏi về chất lượng giáo dục, nhưng nếu hiểu được bức tranh toàn cảnh về giáo dục ở Hà Nội, ta sẽ thấy đó là một thực trạng tồn tại nhiều năm nay khi Hà Nội ngày càng được mở rộng.
1752200173285.png


Tôi muốn nói về câu chuyện kỳ thi vào 10 trường THPT Lưu Hoàng, ngôi trường có điểm chuẩn thấp nhất Hà Nội năm nay, chỉ 10 điểm cho ba môn thi nhưng bất ngờ là năm nào trường cũng đạt tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Có học sinh đạt 25 đến 29 điểm thi đại học, trúng tuyển vào các trường đại học top đầu của cả nước. Đó là thành quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, của những người thầy, người cô kiên trì và tận tâm, ngày đêm đồng hành cùng các em học sinhb những đứa trẻ phần lớn đến từ vùng quê nghèo, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, thậm chí không được bố mẹ kèm cặp, quan tâm như các bạn ở nội đô.

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hoàng Chí Sỹ, đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng, điểm chuẩn thấp là do đặc thù học sinh vùng nông thôn ít có cơ hội học thêm, thiếu điều kiện tiếp cận các trung tâm luyện thi, học sinh giỏi thì gia đình lại mong muốn gửi gắm vào các trường lớn hơn. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, thầy và đồng nghiệp vẫn không bỏ cuộc. Nhà trường xây dựng kế hoạch giảng dạy bài bản ngay từ đầu lớp 10, tổ chức phụ đạo miễn phí sát ngày thi, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, đồng thời đặt trách nhiệm cao trong việc hỗ trợ từng học sinh. Chính sự gắn bó và tâm huyết ấy đã giúp những học sinh tưởng chừng kém thế lại có được kết quả đầu ra vô cùng ấn tượng.Trong nhiều bài báo, tôi từng chia sẻ một điều mà chắc hẳn nhiều thầy cô đồng cảm: Dạy một học sinh đã giỏi sẵn, thi vào trường top, tiếng Anh IELTS 8.0 trở lên đôi khi không khó bằng việc dạy một học sinh “đầu vào” chỉ 10 điểm cho cả ba môn thi lớp 10, nhưng sau ba năm vẫn có thể đỗ tốt nghiệp, thậm chí vào được đại học.Đó mới thực sự là thử thách, là nơi người thầy thể hiện rõ nhất bản lĩnh, sự kiên trì và tấm lòng với học sinh. Với tôi, những em học sinh từ trường top dưới mà sau ba năm có thể bước chân vào đại học top đầu đó không chỉ là sự nỗ lực phi thường của chính các em, mà còn là thành quả đáng khâm phục của cả một tập thể giáo viên âm thầm kèm cặp, tiếp lửa, truyền động lực, niềm tin mỗi ngày.

Thực tế này phản ánh một điều đáng suy ngẫm: điểm đầu vào thấp không đồng nghĩa với chất lượng đầu ra thấp, nếu có đủ tâm huyết, phương pháp và sự đầu tư nghiêm túc từ nhà trường và giáo viên. Trong khi đó, nhiều trường có điểm đầu vào rất cao, học sinh toàn điểm 9 – 10, nhưng kết quả tốt nghiệp và đại học chưa chắc đã vượt trội hơn bao nhiêu. Bởi dạy học sinh giỏi là việc dễ dàng hơn rất nhiều so với việc nâng đỡ những em học sinh yếu, thiếu nền tảng, thiếu cả niềm tin vào bản thân.

Sự chênh lệch chất lượng giáo dục hiện nay không chỉ thể hiện ở điểm số mà còn nằm ở sự khác biệt về cơ hội. Một số trường nội thành được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, tài liệu, phương pháp học tập, còn nhiều trường ngoại thành phải chật vật với nguồn tuyển thấp, thậm chí trông chờ vào học sinh chọn nguyện vọng hai, nguyện vọng ba. Đáng nói là tỉ lệ học sinh nhập học từ nguyện vọng ba thực tế chỉ đạt khoảng 5 – 7%, điều đó càng khiến các trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh và giữ chân học sinh.

May mắn thay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã nhìn nhận thực trạng này và có những bước đi tích cực. Các trường top đầu như Việt Đức, Kim Liên, Nhân Chính, Yên Hòa… được giao nhiệm vụ hỗ trợ, tập huấn, chia sẻ phương pháp giảng dạy với các trường khó khăn hơn. Những buổi dạy mẫu, những buổi chia sẻ chuyên môn không chỉ giúp giáo viên học hỏi mà còn thắp thêm niềm tin rằng giáo dục không bỏ lại ai phía sau.

Là một người tư vấn cho nhiều phụ huynh và học sinh trong kỳ thi vào 10, tôi rất mong các bậc phụ huynh và học sinh hiểu rằng, việc không đỗ vào một trường top không phải là thất bại. Điều quan trọng không phải là con bạn đang học ở đâu, mà là nơi đó có những thầy cô tận tâm, có phương pháp, có sự gắn bó và đồng hành cùng học sinh hay không. Một học sinh điểm đầu vào thấp vẫn có thể làm nên điều phi thường nếu em ấy được dẫn dắt và tin tưởng.

Và với các em học sinh, những em đã hoặc sẽ bước vào ngôi trường không nằm trong danh sách trường điểm, cô chỉ muốn nói một điều: Đừng bao giờ tự ti. Các em hoàn toàn có thể vươn lên, thậm chí vượt xa những gì mình từng nghĩ, nếu biết nỗ lực và giữ được sự bền bỉ. Hành trình của mỗi người là khác nhau, nhưng tương lai luôn dành chỗ cho những ai không bỏ cuộc.

Giáo dục, cuối cùng, không phải là cuộc thi để phân loại ai giỏi ai kém, mà là con đường để mỗi đứa trẻ được phát triển đến hết tiềm năng của mình. Nơi nào có thầy cô tâm huyết, nơi đó luôn là vùng đất gieo mầm hy vọng.

Cô Thanh Hải Lucky

Tư vấn Tâm lý giáo dục và hướng nghiệp

Tác giả cuốn sách “Tư vấn kỳ thi vào 10”, “Cùng con bước qua các kỳ thi”
#Tưvấnphụhuynh
1752200205449.png



 
Rất tâm đắc chia sẻ của tác giả Thanh Hải Lucky " Giáo dục, cuối cùng, không phải là cuộc thi để phân loại ai giỏi ai kém, mà là con đường để mỗi đứa trẻ được phát triển đến hết tiềm năng của mình. Nơi nào có thầy cô tâm huyết, nơi đó luôn là vùng đất gieo mầm hy vọng."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top