Tuyển sinh Đại học 2025: Gánh nặng lệ phí và áp lực “đặt cược” nguyện vọng

haithanh6688
Thanh Hải Lucky
Phản hồi: 0
Tuyển sinh Đại học 2025: Gánh nặng lệ phí và áp lực “đặt cược” nguyện vọng
Tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới, nhưng cũng đặt ra không ít áp lực cho cả học sinh và cha mẹ. Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay không còn xét tuyển sớm, đồng nghĩa tất cả các phương thức sẽ được xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường đại học vẫn yêu cầu học sinh phải đăng ký xét tuyển riêng trên hệ thống nội bộ của trường, đồng thời cung cấp minh chứng hồ sơ, dẫn đến việc thí sinh phải đăng ký và đóng lệ phí ở cả hai nơi: vừa qua cổng của trường, vừa trên hệ thống chung của Bộ.

1751509741770.png


Hệ quả là nhiều học sinh và phụ huynh buộc phải đăng ký rất nhiều nguyện vọng, như một cách "đặt cược may mắn", vì sợ chỉ đăng ký ít nguyện vọng sẽ dễ bị trượt. Mỗi nguyện vọng lại kèm theo một khoản lệ phí. Có em đăng ký đến vài chục nguyện vọng – và như vậy, chi phí đăng ký có thể lên đến 2–3 triệu đồng, thậm chí có gia đình phải chi 5–7 triệu đồng chỉ để hoàn tất việc đăng ký tuyển sinh. Đây là một con số không hề nhỏ, nhất là với các gia đình có hoàn cảnh kinh tế trung bình hoặc đang sống ở vùng nông thôn.

Điều đáng nói là lệ phí tuyển sinh hiện nay rất đa dạng và không đồng nhất giữa các trường. Có nơi không thu phí, nhưng cũng có trường thu lệ phí theo từng nguyện vọng, từng phương thức xét tuyển, hay theo từng loại hồ sơ. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thu 30.000 đồng để xử lý dữ liệu ngoài hệ thống của Bộ gồm quy đổi điểm tiếng Anh và kiểm tra minh chứng điểm ưu tiên. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thu 20.000 đồng cho mỗi nguyện vọng.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội yêu cầu thí sinh phải nộp lệ phí thu, kiểm tra hồ sơ đăng ký dự tuyển 50.000 đồng để được đưa vào hệ thống xét tuyển của trường.
Trường ĐH Thương mại quy định thí sinh có 1 phương thức xét tuyển nộp 50.000 đồng/hồ sơ, thí sinh có nhiều hơn 1 phương thức xét tuyển nộp 100.000 đồng/hồ sơ, thí sinh xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển 100.000 đồng/hồ sơ.
Trường ĐH Thủy Lợi tính 20.000 đồng/nguyện vọng cho tất cả các phương thức và thêm 50.000 đồng/hồ sơ dự tuyển nếu có điểm cộng ưu tiên. Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì thu 50.000 đồng/hồ sơ đăng ký trên hệ thống riêng của trường. Trường ĐH Kinh tế QD, ĐH Bách khoa HN cũng thu lệ phí xét tuyển các phương thức và tất nhiên, đã có những thí sinh quên không nộp lệ phí qua mạng đã bị trượt ngay từ vòng hồ sơ trong tiếc nuối.

Sự đa dạng trong cách thu lệ phí khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bối rối, không rõ mình nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ, vừa đảm bảo cơ hội cho con, vừa không quá áp lực về chi phí. Có phụ huynh chia sẻ: “Chúng tôi không tiếc tiền đầu tư cho con học hành, nhưng việc phải nộp tiền cho quá nhiều nguyện vọng như thế này thực sự gây mệt mỏi và không minh bạch”.

Là người đồng hành cùng các con trong quá trình định hướng tâm lý và học tập, cô Thanh Hải Lucky rất thấu hiểu sự lo lắng của các bậc cha mẹ trong giai đoạn này. Việc phải “chạy đua” nguyện vọng, trả tiền như một hình thức “mua cơ hội”, đang vô tình tạo nên áp lực tâm lý không cần thiết cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Cô mong rằng các em học sinh hãy dành thời gian để xác định rõ năng lực, sở thích và ngành học phù hợp với mình. Nếu gia đình khó khăn, phụ huynh và các con hãy tập trung vào đúng ngành nghề yêu thích để đặt nguyện vọng từ cao đến thấp theo ngành các trường lĩnh vực mong muốn, đừng quá chạy theo số lượng nguyện vọng, mà hãy chọn lọc và đăng ký có chiến lược. Nếu cần thiết, hãy tham khảo thầy cô, chuyên gia hướng nghiệp hoặc người có kinh nghiệm để đưa ra quyết định phù hợp. Cơ hội thực sự không nằm ở việc đăng ký thật nhiều, mà nằm ở việc chọn đúng hướng và chuẩn bị tốt nhất cho cơ hội đó. Tất nhiên, với cách tuyển sinh như năm nay, việc đặt nhiều nguyện vọng càng có nhiều cơ hội trúng tuyển nên phụ huynh và các con đành phải chi.

Với phụ huynh, cô xin chia sẻ rằng: hãy giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước làn sóng thông tin từ các trường. Đồng hành cùng con bằng sự hiểu biết và niềm tin sẽ giúp con tự tin hơn, thay vì bị cuốn theo tâm lý “phải đăng ký thật nhiều để khỏi trượt”.

Hi vọng rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rút kinh nghiệm từ những khó khăn của lứa thí sinh 2k7, để có những điều chỉnh hợp lý, giúp giảm bớt gánh nặng về lệ phí và thủ tục cho phụ huynh và các em học sinh, đặc biệt là những gia đình ở vùng nông thôn, nơi mà áp lực tài chính và điều kiện tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế.
Cô Thanh Hải Lucky
Tư vấn Tâm lý giáo dục và hướng nghiệp
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top