Vì sao nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH?

haithanh6688
Thanh Hải Lucky
Phản hồi: 2
Cứ mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT đến gần, xã hội lại “nóng” lên bởi những tranh luận quen thuộc: đề thi năm nay dễ hay khó, tỷ lệ tốt nghiệp sẽ ra sao, điểm chuẩn đại học liệu có biến động… Nhưng đằng sau những con số, bảng điểm ấy, có một câu hỏi lớn hơn cần được đặt ra một cách nghiêm túc và rõ ràng: liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn cần thiết?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương – người có nhiều năm giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở Nhật Bản – đã thẳng thắn đề xuất: “Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì nó không còn ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh giáo dục hiện nay.”

Kỳ thi “2 trong 1” Một mô hình đầy mâu thuẫn

Mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vốn mang trong mình hai mục tiêu: vừa xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở xét tuyển đại học. Nhưng chính điều đó lại tạo ra xung đột: đề thi phải đảm bảo đánh giá được cả học sinh trung bình lẫn thí sinh xuất sắc.

Kết quả là gì?

“Nếu ra đề dễ, điểm thi sẽ cao và không phân loại được để tuyển sinh. Nếu ra đề khó, những học sinh chỉ mong tốt nghiệp sẽ bị đẩy vào thế yếu. Điều này tạo áp lực cho cả người dạy, người học và người ra đề”, ông Vương phân tích.

Chưa kể, ở một quốc gia còn nhiều chênh lệch như Việt Nam, việc tạo ra một đề thi “cân bằng” cho cả vùng sâu, vùng xa và thành phố lớn là điều gần như không tưởng. Sự bất công vô hình cứ thế tồn tại.

1752023496207.png


Bỏ thi tốt nghiệp vì ai cũng xứng đáng có một tấm bằng sau 12 năm đèn sách

Ông Vương cho rằng, xét tốt nghiệp nên giao quyền về cho hiệu trưởng các trường THPT, dựa vào quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.

“Ai học xong 12 năm phổ thông đều có thể tốt nghiệp. Chuyện đó bình thường. Không cần kỳ thi để chứng minh điều đã hiển nhiên,” ông nói.

Một kỳ thi mang danh “tốt nghiệp”, nhưng lại khiến hàng triệu học sinh và gia đình khốn khổ, chạy đua học thêm, luyện thi, cày đề, liệu có còn đúng với triết lý giáo dục nhân bản?

Học để thi con đường cụt của tư duy
Nỗi ám ảnh mang tên "kỳ thi" không chỉ bóp nghẹt sáng tạo mà còn hình thành một nền giáo dục thành tích, nơi giáo viên phải “dạy để đạt chỉ tiêu”, học sinh thì “học cái gì thi, bỏ cái gì không”.

Điều nguy hiểm, theo ông Vương, không chỉ là chuyện điểm số:

“Lối học để thi khiến học sinh mất đi khả năng tư duy độc lập, đặt vấn đề và suy ngẫm. Về lâu dài, họ có thể thông minh, nhưng lại thiếu bản lĩnh công dân, thiếu khả năng sáng tạo.”
Bỏ thi tốt nghiệp: Không phải thả lỏng, mà là đi đúng hướng
Một khi kỳ thi tốt nghiệp không còn là rào cản, học sinh chỉ cần ôn tập nếu có nhu cầu thi đại học. Việc học trong nhà trường sẽ chuyển dần sang hướng cá thể hóa, dạy theo năng lực và nhu cầu thực sự của người học – thay vì ép buộc mọi học sinh phải vượt qua cùng một “khuôn mẫu” chung.

“Cần loại bỏ tư tưởng đặt chỉ tiêu tốt nghiệp hay tỷ lệ học sinh giỏi, vì đó là gốc rễ của bệnh thành tích và con số ảo”, ông Vương nhấn mạnh.

Hãy dám thay đổi, để giáo dục Việt Nam đừng mãi quanh quẩn với kỳ thi

Chúng ta đã nói quá nhiều về đổi mới giáo dục, nhưng dường như vẫn chưa dám “đụng” đến gốc rễ: thi cử.

Một kỳ thi không còn phù hợp, tạo áp lực lớn nhưng giá trị thực tế thấp tại sao chúng ta còn giữ?

“Đã đến lúc phải dũng cảm bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, để xây dựng một nền giáo dục lấy con người làm trung tâm chứ không phải bài kiểm tra.”
 
Tôi hoàn toàn ủng hộ. Trước hết đỡ tốn kinh phí nhà nước; sau đơ tốn tiền phụ huynh. Chỉ cần cấp chứng nhận đã qua chương trình PTTH. Em nào không thi đại học thì học nghề, ai muốn vào đại học thì qua kỳ đánh giá năng lực. Khoảng 5 năm trước tôi đã nêu ý kiến này nhưng không được ủng hộ các bác ạ.
 
Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo nhiều hội nghị của ngành Giáo dục từ gần 20 năm trước . Nhưng, cái gọi là sáng kiến " 2 trong 1 " tức là thi tốt nghiệp và lấy điểm xét tuyển Đại học . Thực tế đã cho thấy nhiều bất hợp lý , gây tốn kém tiền bạc thời gain, tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong ngành Giáo dục và toàn XH . Nhất trí đề xuất của tác giả : Xét quá trình học lực và tu dưỡng của học sinh 3 năm học để công nhận và cấp bằng TN PTTH . Tổ chức thi tuyển Đại học nghiêm túc để chọn học sinh có đủ học lực cần thiết để học bậc Đại học. Còn lại thi vào các trường nghề ..
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Thành viên mới đăng

Back
Top