Sau 24 năm làm việc tại BMW Đức, ông Võ Quang Huệ trở thành người tiên phong đưa Bosch vào Việt Nam khi Trung Quốc đang là lựa chọn đầu tư.
Ông không chỉ thuyết phục tập đoàn Đức xây dựng nhà máy linh kiện mà còn thành lập trung tâm R&D đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á - mở ra làn sóng FDI chất lượng cao gắn với đào tạo kỹ sư Việt. Trong buổi trò chuyện với VnExpress, ông chia sẻ bí quyết thuyết phục thế giới tin vào Việt Nam và cách đưa ông đi từ BMW, Bosch tới VinFast tới tinh thần "không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa".
Ông Võ Quang Huệ trong lễ trao chứng nhận Công nghệ cao cho nhà máy Bosch tại Long Thành, Đồng Nai (2014). Ảnh: Nhân vật cung cấp



Trong hành trình với Bosch, tôi luôn giữ một điều: mình phải mang lợi cho Bosch, nhưng cũng phải tận dụng cơ hội đó để mang lợi cho đất nước và cũng thực hiện được hoài bão của mình.
Cho nên, tất cả những bạn trẻ Việt Nam, dù đang mang quốc tịch gì, nếu đang làm trong một tập đoàn quốc tế mà thấy điều gì tốt cho Việt Nam, cho công ty của bạn thì hãy nghĩ đến việc mang về. Lúc đó, bạn đã tạo ra một chiến thắng kép.
Trong dịp 50 năm thống nhất đất nước, tôi nghĩ bài học cùng thắng càng quan trọng. Những người Việt sống ở nước ngoài, nếu có thể quay về, hoặc góp phần từ xa, cũng là đang cùng thắng với đất nước. Với tôi, chữ hòa hợp tóm lại rất đơn giản, là tất cả chúng ta đều là người thắng.
- Trước đây, FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống, nhưng gần đây các ngành mới như bán dẫn và AI... đang nổi lên. Theo ông, Việt Nam nên ưu tiên hướng phát triển nào?
- Tôi cho rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều chiến lược, thay vì chỉ tập trung vào một hướng.
Thứ nhất, cần cải cách hệ thống giáo dục và xây dựng mạng lưới nghiên cứu, sáng tạo, kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu. Đây là nền tảng để tạo nội lực công nghệ.
Thứ hai, với FDI, Việt Nam nên tận dụng cơ hội để phát triển các ngành công nghệ phụ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt lớn như VinFast hay những công ty công nghệ đang mạnh dạn đầu tư vào R&D - chính họ sẽ mở đường cho các lĩnh vực mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần dấn thân vào đổi mới sáng tạo, vì tương lai không còn chỗ cho lối làm ăn gia công đơn giản.
Thứ ba, bên cạnh việc duy trì các ngành công nghiệp truyền thống, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả nông nghiệp và đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ mới như chất bán dẫn (chính yếu là thiết kế, phần mềm) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tóm lại, Việt Nam không nên chọn giữa ngành truyền thống và ngành mới, mà cần cân bằng. Ngành truyền thống là nền tảng, còn ngành mới như bán dẫn và AI là động lực cho tương lai, là xây dựng quyền lực công nghệ của đất nước.
Trong bối cảnh bất định toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn. Cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng nội lực của đất nước. Tự lực tự cường là chìa khóa quan trọng.
Tôi tin rằng Việt Nam có sức mạnh kỳ diệu. Chúng ta từng đối mặt với nhiều thách thức, đã tìm được cách vượt qua và lần này cũng vậy.
- Trải qua gần nửa thế kỷ học tập, làm việc và góp phần xây nền cho những dấu mốc quan trọng của Việt Nam, đến nay ông còn ấp ủ điều gì?
- Sau hành trình với Bosch, tôi tiếp tục có một hành trình 1.000 ngày hạnh phúc với VinFast. Tôi vui là đã cùng đồng đội đạt được một kỳ tích, làm ra chiếc xe ôtô thương hiệu Việt đầu tiên chỉ trong 21 tháng - một điều mà ngay cả những hãng xe lâu đời cũng phải mất 4-5 năm.
Đến hiện tại, tôi đang dành thời gian cho giáo dục, cho đào tạo và truyền cảm hứng. Hiện tôi tham gia trong hội đồng trường của Đại học Việt Đức và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Tôi làm việc với các bạn trẻ, với các start-up, với những người mang trong mình khát vọng phát triển đất nước bằng năng lực thật.
Bởi tôi luôn tin - và cũng là điều giúp tôi thuyết phục được các đối tác trên thế giới khi thực hiện các để án tại BMW, Bosch và VinFast rằng: con người Việt Nam nỗ lực và ham học, có khả năng để làm tốt, họ chỉ thiếu điều kiện chứng minh thôi.
Nguồn: Vnexpress
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: