Voi nhà chết, chủ khóc thương đến kiệt sức

Trần Nam
Trần Nam
Phản hồi: 1

Trần Nam

Thành viên nổi tiếng
Đau xót trước cái chết của voi cái Bắk Khăm (ở Đắk Lắk), chủ voi chỉ biết ôm chặt xác voi khóc nghẹn. Sau khi lo chôn cất cho voi, người chủ đau buồn đến kiệt sức phải vào viện truyền nước.

Mất voi như mất người thân

Gần một tuần sau cái chết của voi cái Bắk Khăm (51 tuổi) do bị tai nạn trong rừng, ông Y Thanh Uông (61 tuổi, chủ voi, trú tại xã Liên Sơn (huyện Lắk cũ), tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau như mất đi một thành viên thân thiết trong gia đình.

Voi Bắk Khăm thuộc sở hữu của dòng họ ông Y Thanh Uông. Hàng chục năm qua, ông cùng em trai Y Hoang Uông (51 tuổi) đã thay nhau chăm sóc, nuôi dưỡng voi như một người thân.
1753314388807.png
Ông Y Thanh Uông xót xa trước cái chết của voi cái Bắk Khăm (Ảnh: Thúy Diễm)
Dẫn chúng tôi trên con đường mòn lầy lội ra nghĩa trang buôn Cuôr - nơi chôn cất voi Bắk Khăm - ông Y Thanh Uông nghẹn ngào kể về những kỷ niệm gắn bó với con voi cái hiền hòa, biết nghe lời chủ.

“Voi Bắk Khăm nằm cạnh khu mộ của mẹ ruột tôi, voi mãi mãi là một thành viên yêu dấu của gia đình chúng tôi”, ông Y Thanh Uông vừa nói vừa chỉ tay vào nấm mộ cao, đất đắp còn chưa ráo.
1753314403720.png
Voi Bắk Khăm được chôn cất cẩn thận tại nghĩa trang như một thành viên trong gia đình (Ảnh: Thúy Diễm)
Ông Y Thanh Uông kể, sáng 17/7, khi nhận được tin voi Bắk Khăm đã chết trong rừng từ em trai, ông cùng vợ vội vã chạy đến quả đồi cách nhà hơn 10km, trong lòng vẫn cầu mong đó không phải là sự thật.

Đến nơi, nhìn thấy con voi yêu quý đã nằm bất động, thân thể cứng dần, khóe mắt còn đọng những giọt nước như nước mắt đau đớn trước khi lìa đời, ông Y Thanh Uông chỉ biết ngồi bệt xuống đất, nỗi đau đớn trào dâng khiến người đàn ông ngoài 60 tuổi không thốt nên lời.

Cạnh bên, bà H’Hạ Triết (46 tuổi, vợ ông Y Hoang Uông) ôm chặt đầu voi Bắk Khăm mà khóc than.
1753314366530.png
Bà H'Hạ Triết ôm lấy xác của voi Bắk Khăm và khóc vì đau buồn (Ảnh: Bap Hiu)
Sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm và kết luận voi Bắk Khăm chết do tai nạn trượt chân, bị gốc cây đâm vào, gia đình mới được phép đưa xác voi về mai táng theo phong tục bản địa.

Do địa hình hiểm trở, gia đình ông Y Thanh Uông phải nhờ 3 con voi của người dân, kết hợp máy móc và gần 100 người hỗ trợ. Sau hơn 10 tiếng, voi Bắk Khăm mới được đưa đến nơi chôn cất.

Đau xót trước sự ra đi của voi, bà H'Hạ Triết khóc đến ngất lịm, phải nhập viện truyền nước. Khi tỉnh lại, biết voi Bắk Khăm đã chết, bà nằm thẫn thờ, nước mắt cứ tuôn trào không ngớt trước sự thật nghiệt ngã này.

“Vợ và các con tôi vẫn chưa trở lại cuộc sống thường ngày, chưa thể lên nương rẫy, mọi người vẫn tiếc nuối cho voi Bắk Khăm và vẫn thay phiên nhau đều đặn ra mộ thăm viếng voi mỗi ngày”, ông Y Hoang Uông chia sẻ.

Khát khao có voi con

Với thực trạng hơn 30 năm qua tại Đắk Lắk chưa từng ghi nhận trường hợp voi nhà sinh sản thành công, không chỉ cơ quan chức năng mà cả những chủ voi luôn trông mong từng ngày. Tuy nhiên, các trường hợp voi nhà từng mang thai nhưng voi con đều bị chết ngạt trước khi được sinh ra.
1753314421957.png
Ông Y Thanh Uông bên cạnh voi Bắk Khăm khi voi còn sống (Ảnh: Uy Nguyễn)
Theo ông Y Thanh Uông, voi có đặc tính rất chung tình, voi cái Bắk Khăm cũng không phải là ngoại lệ. Từ nhiều năm nay, gia đình luôn mong muốn voi cái có thể sinh sản, góp phần vào công tác bảo tồn voi. Tuy nhiên, khi ghép đôi với voi đực, Bắk Khăm chỉ đồng ý gần gũi với duy nhất voi đực Thông Răng (60 tuổi).

Năm 2018, voi Bắk Khăm mang thai, gia đình ông Y Thanh Uông vui mừng khôn xiết, chăm sóc voi cẩn thận, chu đáo. Đến ngày sinh, voi con không may bị chết ngạt trong bụng mẹ.

“Mặc dù voi con không còn sống sót nhưng chúng tôi tin tưởng vào khả năng mang thai của Bắk Khăm nên luôn hy vọng, voi cái sẽ tiếp tục mang thai. Mỗi khi đến thời gian động dục, gia đình tôi luôn đưa voi Bắk Khăm vào rừng để gần gũi với voi đực Thông Răng”, ông Y Thanh Uông cho hay.

Gần đây, gia đình đưa Bắk Khăm vào rừng để giao phối với voi đực Thông Răng. Do trời mưa lớn, voi Bắk Khăm không may bị trượt chân ngã, té vào gốc cây nhọn và chết.

“Tại nghĩa trang buôn Cuôr, 6 năm trước là nơi đã chôn cất voi con của Bắk Khăm. Giờ đây, cả 2 mẹ con voi đã được ở chung với nhau mãi mãi”, ông Y Thanh Uông ngậm ngùi.
1753314438342.png
Nhiều người dân khi đến Đắk Lắk du lịch vẫn ưa thích việc cưỡi voi đi tham quan (Ảnh: Thúy Diễm)
Khi được hỏi về việc xã Buôn Đôn đã không còn phục vụ du lịch cưỡi voi nhưng xã Liên Sơn, huyện Lắk vẫn duy trì, ông Y Thanh Uông giải thích: “Voi tiêu thụ lượng thức ăn rất lớn, chủ voi đa phần đều là bà con nông dân nên nếu không đưa voi vào phục vụ du lịch chắc chắn sẽ không đủ kinh phí để nuôi dưỡng, chăm sóc voi”.

Với công tác bảo tồn voi của tỉnh Đắk Lắk cũng như sự tài trợ từ Tổ chức Động vật châu Á, nhiều chủ voi khác tại xã Liên Sơn (huyện Lắk cũ) mong muốn sẽ được quy hoạch khu chăn thả voi trong rừng, có sự hỗ trợ tương xứng cho các chủ voi khi chuyển đổi mô hình du lịch từ voi.

"Chúng tôi mong muốn có sự đồng lòng, nhất trí với nhiều giải pháp để giúp voi được sinh sản thành công", ông Y Thanh Uông gửi gắm.

Từ năm 1980, voi nhà của Đắk Lắk có khoảng 500 con nhưng hiện tại, voi nhà của tỉnh này chỉ còn 33 con (xã Buôn Đôn có 24 con, xã Liên Sơn, (huyện Lắk cũ) 9 con). Đây là số lượng đáng báo động trước sự suy giảm đàn voi nhà, trong khi đa phần voi đều đã quá tuổi sinh sản.

Theo số liệu từ Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, đơn vị từng cho 5 cá thể voi cái ghép đôi với voi đực, trong đó có 3 voi cái mang thai, sinh sản nhưng voi con đều bị chết ngạt.

Từ năm 2016, Tổ chức động vật châu Á đã hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với số tiền tài trợ 350.000 USD. Riêng với dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, Tổ chức động vật châu Á sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD để thực hiện.

Đến nay, 14 con voi nhà tại Đắk Lắk được chuyển sang mô hình du lịch thân thiện cùng voi. Thay vì cưỡi voi phục vụ du khách sẽ được chuyển sang việc chụp ảnh với voi, nhìn ngắm voi từ xa.


Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top