Cấp huyện hoàn thành sứ mệnh lịch sử, địa danh thân thương chỉ còn là hoài niệm

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 2

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Đánh giá cao chủ trương sáp nhập tỉnh, đại biểu Quốc hội chia sẻ về một số địa danh thân thương từng gắn liền với lịch sử dân tộc, với nhân dân địa phương chỉ còn là hoài niệm.

Quốc hội sáng nay thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Lo lắng đi lại xa, nơi ăn chốn ở thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quốc H.ận (Cà Mau) đánh giá chủ trương sáp nhập, sửa đổi các quy định mô hình chính quyền 2 cấp có thể xem là "cuộc cách mạng" trong cải cách nền hành chính nước nhà, song bày tỏ trăn trở khi "những thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới các mặt đời sống xã hội, kinh tế, tâm tư nguyện vọng của người dân".

Ông dẫn chứng, một số địa danh thân thương từng gắn liền với lịch sử dân tộc, với nhân dân địa phương chỉ còn là hoài niệm trong ký ức. Trong khi đó, chính quyền cấp huyện cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chấm dứt sự tồn tại.

"Một số lượng lớn cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy nhà nước phải nghỉ việc, loay hoay tìm việc mới gặp không ít khó khăn trong tái hòa nhập thị trường lao động. Số cán bộ còn lại không biết đi đâu về đâu, nơi ăn chốn ở thế nào”, đại biểu Nguyễn Quốc H.ận trăn trở.

Về phía người dân, một số lo lắng khi địa bàn sinh sống xa trung tâm hành chính thì giải quyết các thủ tục thế nào. Đặc biệt, cán bộ công chức cấp xã dù có tăng nhưng vẫn ít hơn khi còn cấp huyện, điều này đặt ra lo ngại với địa bàn rộng lớn liệu có thể sát dân, gần dân hay không.

“Sau khi sáp nhập thì có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông thấp kém ở vùng sâu xa thì đi đến trung tâm hành chính là việc xa xỉ mất nhiêu thời gian và kinh phí”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu thực tế.

1747208311312.png

Một góc của tỉnh Nam Định. Ảnh: Trọng Tùng

Bởi vậy, ông kiến nghị có các biện pháp cụ thể với các xã giáp ranh, ví dụ như cùng tuyến đường giáp ranh hai xã có thể do cấp tỉnh đầu tư, nhưng việc quản lý giao về cấp xã để thuận lợi hơn.

Đồng thời, phân quyền mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc cho người dân, song song với đó là xây dựng đội ngũ công chức cấp xã đáp ứng nhu cầu người dân, đầu tư hạ tầng giao thông thông suốt từ xã đến tỉnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu tại khoản 3, Điều 110, dự thảo nghị quyết đề xuất quy định việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành trực thuộc trung ương cũng như trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sẽ do Quốc hội quy định. Tuy nhiên, dự thảo đang đề nghị bỏ cụm từ "phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" trong nội dung này.

Bày tỏ không đồng tình với đề xuất bỏ quy định lấy ý kiến nhân dân, đại biểu cho rằng đây là bước thể hiện tính dân chủ, phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

"Tất nhiên, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ phức tạp hơn, mất nhiều công sức hơn, nhưng đây là cách làm dân chủ và cần thiết. Vì việc thay đổi địa giới hành chính không chỉ là vấn đề tổ chức bộ máy mà còn liên quan trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân địa phương, từ đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh đến người nông dân đã sống gắn bó lâu đời với mảnh đất ấy", nữ đại biểu nêu.

Ngoài ra, theo bà Thu, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính còn liên quan tới lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán và văn hóa đặc trưng của từng địa phương, do đó ý kiến người dân là một yếu tố không thể bỏ qua.

Khói bụi từ tỉnh này bay sang tỉnh khác phải đưa lên trung ương giải quyết

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết dự thảo luật nêu những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương.

Ông cho biết thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia. Những vụ việc như thế phải đưa lên các cơ quan trên trung ương giải quyết thì sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, trong khi chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được.

Ở góc độ khác, quy định như dự thảo luật sẽ tạo ra việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, cấp tỉnh lại đẩy lên trung ương mà không chịu giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ nhân dân.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này theo phương châm "địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm".

Nguồn: vietnamnet
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top