Chủ doanh nghiệp buôn lậu đất hiếm học hết lớp 8, bật khóc tại tòa: "Cái gì tôi cũng nhận hết, không sao đâu"

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 3

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Chiều 12/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong đại án buôn lậu, khai thác trái phép đất hiếm quy mô lớn. Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thái Dương – nghẹn ngào thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố, nhiều lần rơi nước mắt tại bục khai báo.
1747104659330.png

Bị cáo Đoàn Văn Huấn.
Ông Huấn khai rằng mình chỉ học hết lớp 8, trình độ pháp luật hạn chế, không nhận thức được toàn bộ hậu quả pháp lý của hành vi khai thác và buôn bán đất hiếm. "Nếu bị cáo hiểu hết các quy định pháp luật, đã không để xảy ra sai phạm", ông nói trong nước mắt.

Từ doanh nghiệp nghìn tỷ đến phòng xử án

Theo lời khai, Công ty Thái Dương được thành lập từ năm 2002, vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, sau tăng lên 350 tỷ. Công ty đặt hai nhà máy khai thác và tuyển quặng tại Yên Bái, chủ yếu xử lý đất hiếm tại mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên). Bị cáo khẳng định giấy phép khai thác được cấp đúng quy trình, không “chạy chọt”, do thời điểm đó đất hiếm chưa được chú ý nhiều.


Tuy nhiên, theo cáo trạng, dù chưa hoàn thiện hồ sơ, chưa đủ điều kiện đầu tư, doanh nghiệp vẫn được cấp phép khai thác vào năm 2013 do sai phạm từ một số cán bộ Bộ Tài nguyên & Môi trường. Đáng chú ý, trong gần 10 năm, Công ty Thái Dương chưa hề lập thiết kế mỏ, chưa thông báo thời gian khai thác, không lắp đặt trạm cân hay camera giám sát. Ngoài ra, công ty còn khai thác trái phép trên diện tích đất chưa được giao, gây ô nhiễm nghiêm trọng với hơn 350.000 tấn chất thải xả thẳng ra môi trường.

"Chỉ học hết lớp 8, tôi không hiểu cấm cả bán trong nước"

Trả lời HĐXX về hoạt động kinh doanh, ông Huấn cho biết công ty chủ yếu bán đất hiếm cho một số công ty trong nước như Công ty Đất hiếm Việt Nam, Công ty Hợp Thành Phát… và không nghĩ rằng điều này là sai phạm. “Tôi tưởng chỉ cấm xuất khẩu quặng thô, không nghĩ cấm bán cho doanh nghiệp nội địa”, ông phân trần.

Cũng theo lời khai, ông Huấn không trực tiếp quản lý tài chính, sổ sách mà giao cho kế toán điều hành, do “trình độ thấp”. Tuy nhiên, theo cơ quan công tố, bị cáo vẫn trực tiếp chỉ đạo nhân viên lập hóa đơn khống, hợp thức hóa việc buôn lậu, gian lận thuế gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng cho Nhà nước.

Ngoài hành vi buôn lậu nội địa, bị cáo Huấn còn bị cáo buộc bán trái phép gần 8 tỷ đồng giá trị quặng đất hiếm cho một đối tượng người Trung Quốc. Đồng thời, các nhà máy của ông cũng chỉ thực hiện sơ chế ra tổng oxit đất hiếm với độ sạch 18–20%, trong khi giấy phép yêu cầu phải tinh luyện đạt độ sạch đến 99,9%.

Tiền án, nước mắt và sự sụp đổ của một doanh nhân

Trước tòa, ông Huấn thừa nhận từng có 3 tiền án về các tội “Xuất nhập cảnh trái phép, Đầu cơ và Buôn lậu” trong các năm 1980, 1989 và 1990. Từng là người điều hành một doanh nghiệp có tổng tài sản ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, ông Huấn hôm nay chỉ còn là một bị cáo với đôi mắt đỏ hoe, liên tục chắp tay xin HĐXX "xem xét giảm nhẹ".

“Cái gì bị cáo cũng nhận hết, không sao đâu”, ông nói trong nghẹn ngào khi được hỏi về trách nhiệm trong việc khai thác trái phép tại mỏ Yên Phú.

Đại án đất hiếm – hệ lụy từ kẽ hở pháp lý và lòng tham

Vụ án buôn lậu đất hiếm không chỉ phơi bày sự tiếp tay của một số cán bộ nhà nước, mà còn phản ánh lỗ hổng trong quản lý tài nguyên chiến lược. Đất hiếm – vốn được ví là “vàng trắng” trong chuyển đổi số và công nghệ cao – đã bị khai thác, vận chuyển trái phép với quy mô lớn, gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và uy tín quốc gia.

Phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo còn lại và phần tranh luận trong những ngày tới.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top