Nhà văn duy nhất của Việt Nam mang hàm Giáo sư, làm bố vợ của 3 vị tướng lừng danh lịch sử

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 0

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Lịch sử văn chương Việt Nam có một vị giáo sư uyên bác, người mà cho đến nay vẫn là nhà văn duy nhất của nước ta mang hàm giáo sư. Ông còn được biết đến khi là bố vợ của 3 vị tướng vô cùng nổi tiếng.

1747056450517.png


Nhà văn mang hàm Giáo sư

Sinh năm 1902 tại làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, Nghệ An (nay là xã Thanh Xuân), Giáo sư, nhà văn Đặng Thai Mai là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn hóa và giáo dục Việt Nam hiện đại. Ông từng đảm nhận vị trí Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đồng thời là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

Nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, Giáo sư Đặng Thai Mai sinh ra trong một dòng tộc có truyền thống học vấn và tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Thân phụ ông – cụ Đặng Nguyên Cẩn, từng đỗ Phó bảng, là người tích cực tham gia phong trào Duy Tân cùng các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… và từng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo.

1747056578530.png

Lên 6 tuổi, Giáo sư Đặng Thai Mai trở về quê nội sinh sống, nơi ông được bà nội nuôi dưỡng và truyền dạy tinh thần yêu nước cùng kiến thức nền tảng qua chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo chương trình Đông Kinh nghĩa thục. Khi trưởng thành, ông sớm thể hiện tinh thần dấn thân trong các hoạt động xã hội.

Tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, Giáo sư Đặng Thai Mai từng cộng tác biên tập báo chí tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương và góp mặt trong nhóm sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Năm 1939, ông được Đảng giới thiệu ra tranh cử Viện Dân biểu Trung kỳ – một minh chứng cho vai trò và uy tín của ông trong xã hội đương thời.

Tuy nhiên, trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, Giáo sư Đặng Thai Mai là một người thầy tận tụy, một học giả kiệt xuất trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Trong suốt sự nghiệp, ông đã công bố 14 tác phẩm chủ yếu thuộc mảng nghiên cứu và truyền bá tri thức, có thể kể đến như: Văn học khái luận, Triết học phổ thông, Giảng văn Chinh phụ ngâm, Lịch sử triết học phương Tây, Văn học Trung Quốc hiện đại, Văn thơ Phan Bội Châu hay Trên đường học tập và nghiên cứu đều góp phần định hình tư duy lý luận văn học trong nước. Riêng cuốn Trên đường học tập và nghiên cứu từng được xem là sách gối đầu giường của giới sáng tác.

1747056671003.png


Bố vợ của ba vị tướng

Giáo sư Đặng Thai Mai kết hôn năm 1926 với bà Hồ Thị Toan – ái nữ của ***** Phi Thống, một nhân sĩ nổi tiếng trước năm 1945. Họ có với nhau 6 người con (5 gái, 1 trai), tất cả đều trở thành các trí thức có học hàm, học vị cao trong nhiều lĩnh vực.

1747056685841.png


Cụ thể, bà Đặng Bích Hà (sinh 1928) là Phó Giáo sư Sử học; bà Đặng Thị Hạnh (sinh 1930) là Phó Giáo sư Văn học Pháp; bà Đặng Thanh Lê (sinh 1932) là Giáo sư Văn học Việt Nam, được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; bà Đặng Anh Đào (sinh 1934) là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn học phương Tây, Nhà giáo Ưu tú; ông Đặng Thái Hoàng (sinh 1939) là Kiến trúc sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú; và bà Đặng Xuyến Như (sinh 1945) là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sinh vật học.

Đặc biệt, ba trong số các con rể của Giáo sư Đặng Thai Mai đều là những vị tướng quân đội lẫy lừng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lấy bà Đặng Bích Hà), Trung tướng Phạm Hồng Cư (lấy bà Đặng Thị Hạnh) và Trung tướng Phạm Hồng Sơn (lấy bà Đặng Anh Đào).

Trước khi trở thành thông gia, mối quan hệ giữa Giáo sư Đặng Thai Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn đã rất gắn bó. Mặc dù hơn nhau 9 tuổi, họ coi nhau như những người bạn tri kỷ. Năm 1935, hai ông cùng với Phan Thanh, Hoàng Minh Giám sáng lập Trường Tư thục Thăng Long. Trong giai đoạn 1936–1939, họ đồng hành trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tích cực viết báo tuyên truyền lý tưởng cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cả hai đều trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I. Khi thành lập Chính phủ, Giáo sư Đặng Thai Mai giữ chức Bộ trưởng Giáo dục, còn Võ Nguyên Giáp phụ trách Bộ Nội vụ.

Nguồn: techz
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top