Tại sao học sinh muốn bán trà sữa không có quyền góp vốn lập doanh nghiệp?

T
Kim Phát Tài
Phản hồi: 0

Kim Phát Tài

Thành viên nổi tiếng
Đại biểu Quốc hội tranh luận liên quan đến đề xuất hạ độ tuổi được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Đề xuất hạ tuổi cho người tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sáng 20/5, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị cần sửa đổi thêm nội dung về độ tuổi cá nhân được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp yêu cầu cá nhân phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị hạ độ tuổi này xuống 16 tuổi.

Lý giải về đề xuất này, ông Hiếu cho rằng, người từ 16 tuổi không còn là trẻ em. Bên cạnh đó, pháp luật quy định độ tuổi lao động đủ 15 tuổi trở lên.

Còn về năng lực, hành vi dân sự, theo đại biểu, người chưa đủ 18 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nhưng dự thảo Luật đã quy định ''người từ đủ 15 tuổi trở lên đã có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và động sản phải đăng ký".

1747727133445.png

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Ảnh: QH).

Như vậy, ông Phan Đức Hiếu cho hay, những người từ 16 tuổi trở lên có tiền thì hoàn toàn đã có quyền nhân danh và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự.

Chính vì vậy, ông cho rằng họ có quyền góp vốn. Tiền này thay vì gửi tiết kiệm hoặc nhờ ai cất giữ thì hoàn toàn có quyền góp vốn và tham gia thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu lấy ví dụ như một học sinh muốn mở một cửa hàng bán trà sữa để kinh doanh. Vì vậy, tại sao không cho họ quyền tham gia góp vốn để thành lập các tổ chức kinh tế để thực hiện quyền này?

Mặt khác, đại biểu đề nghị hạ độ tuổi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp từ đủ 16 tuổi trở lên thay vì đủ 18 tuổi cũng đảm bảo tuân thủ và tương thích với các quy định hiện hành của luật pháp.

Hết sức cân nhắc

Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) lại cho rằng mở rộng quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp của người chưa thành niên cần phải hết sức cân nhắc.

Trước hết, Luật Doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện quy định về quyền gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân. Với cá nhân, đại biểu cho biết đã phân biệt rất rõ 3 quyền: Quyền thành lập; Quyền quản trị và tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp và quyền góp vốn.

Theo đại biểu, quyền thành lập và quyền quản trị đòi hỏi người đó phải trưởng thành, có những điều kiện kể cả về mặt nhận thức cũng như về mặt tư cách đạo đức, các điều kiện khác có liên quan để chống các xung đột lợi ích...

1747727201829.png

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Ảnh: QH).

Ông Ba cho biết quy định hiện hành đã phân biệt rõ quyền thành lập, quyền quản lý với quyền góp vốn.

"Cụ thể, chúng ta không cấm và từ lâu, đã thừa nhận quyền được góp vốn của người chưa thành niên, không phải chỉ là 16 tuổi. Nhìn chung, bất cứ một cá nhân nào có quyền sở hữu tài sản đều có quyền góp vốn vào doanh nghiệp thông qua các hình thức doanh nghiệp khác nhau", đại biểu nêu.

Bên cạnh đó, pháp luật chỉ cấm những đối tượng nhất định theo quy định.

Vì vậy, liên quan đến đề xuất của đại biểu Phan Đức Hiếu về quyền tham gia góp vốn thành lập với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, ông Ba cho rằng phải hết sức cân nhắc.

"Bởi vì thành lập doanh nghiệp là sáng lập viên, có thể là doanh nghiệp tư nhân chỉ có một cá nhân làm chủ hoặc công ty. Các sáng lập viên đều là những người chưa thành niên thì việc thành lập, việc quản lý điều hành, xác lập các giao dịch... cũng sẽ có những khó khăn, sẽ tác động xã hội", đại biểu cho hay.

Cho rằng nhóm này thực hiện góp vốn có thể được, song đại biểu đề nghị phải cân nhắc rất kỹ.

Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top