Tranh luận gay gắt: VinSpeed có làm nổi đường sắt cao tốc?

vnrcraw3
Nguyễn Thùy Linh
Phản hồi: 1

Nguyễn Thùy Linh

Thành viên nổi tiếng
Ngày 14/5/2025, sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed chính thức nộp hồ sơ đăng ký đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam trị giá hơn 60 tỷ USD, dư luận mạng xã hội đã bùng lên hàng loạt ý kiến trái chiều. Không ít người tỏ ra hoài nghi về khả năng thực thi dự án mang tầm vóc và độ phức tạp chưa từng có này. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng nếu là Vin làm thì vẫn còn hy vọng, thậm chí có thể là lựa chọn khả thi nhất hiện nay.

Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, một bộ phận cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ về năng lực của VinSpeed. Không ít người thẳng thắn bày tỏ lo ngại: "Làm ô tô thì vẫn còn đang lỗ, sao nhảy sang đường sắt cao tốc được?", hay "Không có công nghệ lõi, không kinh nghiệm ngành, chỉ có tiền thì liệu có khác gì mấy dự án kiểu EPC (tổng thầu) rồi lại đội vốn, chậm tiến độ?". Một số người còn dẫn ví dụ về các siêu dự án giao thông trên thế giới như tuyến HS2 của Anh, đã chậm hơn một thập kỷ và đội vốn gần gấp đôi, để nhấn mạnh rủi ro nếu giao dự án cho một doanh nghiệp không có kinh nghiệm chuyên ngành.
1747226493742.png

Tuy nhiên, bên cạnh làn sóng hoài nghi, cũng có không ít ý kiến thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng, nhất là từ những người từng chứng kiến tốc độ thi công của các công trình do Vingroup làm chủ đầu tư. "Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 xong trước hạn, vành đai 2 mở rộng thì chỉ 2 năm là thông xe. Vin làm thì thường nhanh và bài bản", một cư dân mạng viết. Một người khác bình luận: "Dự án lớn nào cũng phải thuê chuyên gia quốc tế, nhập công nghệ thôi. Quan trọng là ai tổ chức quản lý, kiểm soát tiến độ, phân bổ vốn. Mà khoản này thì Vin có vẻ làm được".

Nhiều người cho rằng điều đáng nói ở đây không phải là Vin có công nghệ sẵn hay không, mà là họ có dám đứng ra nhận rủi ro và tạo niềm tin cho xã hội vào một hướng tiếp cận mới – thay vì để Nhà nước “ôm” toàn bộ. "Vingroup không tự làm tàu cao tốc, cũng không tự chế đường ray, nhưng nếu họ làm đầu mối thu hút công nghệ, thiết kế, nhà thầu quốc tế, thì khác gì cách mà các nước phát triển cũng từng làm", một chuyên gia chia sẻ trên mạng xã hội.

Một luồng ý kiến khác lại đặt vấn đề về cơ chế hỗ trợ và kiểm soát. Dù ủng hộ tư nhân tham gia hạ tầng, nhiều người nhấn mạnh: "Phải có cơ chế giám sát cực kỳ chặt chẽ. Nếu không, dù là Vin hay ai cũng có thể rơi vào vòng xoáy đội vốn, phá sản hoặc để lại gánh nặng cho Nhà nước".

Có thể thấy, đề xuất của VinSpeed không chỉ là một sáng kiến đầu tư đơn thuần, mà còn chạm vào một vấn đề lớn hơn: niềm tin của xã hội vào khả năng hiện thực hóa một giấc mơ công nghệ và hạ tầng mang tầm quốc gia. Dù còn nhiều tranh cãi, việc một doanh nghiệp tư nhân đứng ra đảm nhận vai trò đầu tàu cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam cũng đã đặt ra những câu hỏi rất đáng để suy ngẫm về vai trò của khu vực tư trong phát triển đất nước.

Bạn nghĩ sao? #đườngsắttốcđộcaoBắcNam
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top