Từ hôm nay thẻ ATM từ bị khai tử, vay 300 triệu đồng không cần thế chấp

ngangianggalaxy1st
Lê Nhã Linh
Phản hồi: 1

Lê Nhã Linh

Thành viên nổi tiếng
Áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thẻ từ bị “khai tử”, thu thập sinh trắc học với người đại diện tài khoản ngân hàng tổ chức… là các thay đổi quan trọng từ hôm nay.

Từ hôm nay (1/7), hàng loạt quy định mới trong ngành ngân hàng bắt đầu có hiệu lực.

Dừng toàn bộ giao dịch với thẻ ATM từ

Theo quy định tại Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, toàn bộ thẻ ATM sử dụng công nghệ từ sẽ bị ngừng chấp nhận giao dịch trên toàn hệ thống ngân hàng. Đây là quy định tại Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng.

Quy định này áp dụng với tất cả loại thẻ sử dụng công nghệ dải từ, bao gồm cả thẻ chỉ có dải từ và thẻ kết hợp chip với từ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, toàn hệ thống còn khoảng 8 triệu thẻ từ (bao gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng...). Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 14% thẻ phát sinh giao dịch, còn lại là thẻ ngủ đông, không hoạt động. Do đó, thực tế, chỉ còn khoảng 1 triệu thẻ sử dụng công nghệ từ đang hoạt động, tương đương 1% cần chuyển đổi.

1751338909906.png

"Khai tử" thẻ ATM từ 1/7 (Ảnh: Thảo Thu).

Trong trường hợp mặt trước thẻ không có ô chip màu vàng (vi mạch điện tử), mà chỉ có dải từ đen phía sau, thì đó là thẻ từ và bắt buộc phải đổi. Ngay cả các thẻ kết hợp (có cả chip và dải từ), cũng nằm trong diện cần thay thế.

Từ ngày 1/7, những thẻ chưa chuyển đổi sẽ không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, gửi tiền tại máy ATM và CDM, thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ POS, giao dịch liên ngân hàng... Trong một số trường hợp, thẻ từ có thể bị khóa hoàn toàn.

Ví điện tử trở thành phương thức thanh toán

Từ ngày 1/7, ví điện tử được công nhận là phương tiện thanh toán, với các chức năng tương đương tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán hoặc tiền mặt. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ hoàn toàn bằng ví, mà không cần phụ thuộc vào thẻ hay tài khoản ngân hàng.

Theo một số quy định tại Thông tư 40 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, việc nạp tiền vào ví điện tử được thực hiện thông qua nộp tiền mặt vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng hợp tác; nhận tiền từ tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết...

Ngoài ra, khách hàng có thể nhận tiền từ ví điện tử khác trong cùng hệ thống do một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; nhận tiền từ ví điện tử khác ngoài hệ thống do tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác mở.

Chủ ví điện tử được sử dụng ví điện tử để rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết; chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chuyển tiền đến ví điện tử khác trong cùng hệ thống do một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.

Chủ ví điện tử cũng có thể chuyển tiền đến ví điện tử khác ngoài hệ thống do tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác mở; thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ; nộp phí, lệ phí cho các dịch vụ công hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Nông dân được vay 300 triệu đồng không cần thế chấp

Nghị định 156 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015, Nghị định 116/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi chính sách nhằm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của người dân trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp chung vào phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc nâng hạn mức vay không cần thế chấp cho nông dân, hợp tác xã, chủ trang trại...

Cụ thể, mức vay không cần thế chấp đối với cá nhân, hộ gia đình được điều chỉnh tăng từ 100-200 triệu đồng lên 300 triệu đồng. Với tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hạn mức tăng từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Hạn mức với chủ trang trại được tăng từ 1-2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng. Còn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hạn mức được nâng thành 5 tỷ đồng thay vì 1-3 tỷ đồng như trước đây.

Ngoài việc nâng hạn mức, Nghị định cũng đơn giản hóa thủ tục vay. Theo đó, người dân không cần nộp giấy xác nhận đất chưa có sổ đỏ hoặc không tranh chấp như trước. Việc nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, thay vì bắt buộc.

Thí điểm cho vay ngang hàng trong 2 năm

Theo Nghị định 94 của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, từ ngày 1/7, hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được thử nghiệm trong 2 năm, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở.

Cụ thể, một trong các giải pháp fintech được Chính phủ đồng ý thử nghiệm là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Công ty cho vay ngang hàng chỉ được cung cấp giải pháp thử nghiệm khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.

Hoạt động thử nghiệm P2P Lending sẽ được cấp phép trong 2 năm, nhưng không áp dụng với các nhà băng ngoại. Các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ tài chính được tham gia xét duyệt cơ chế thử nghiệm, song không đồng nghĩa việc họ sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan lĩnh vực cho vay này.

Cập nhật sinh trắc học đối với khách hàng doanh nghiệp

Theo Thông tư 17, từ ngày 1/7, các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh bắt buộc phải hoàn tất xác thực sinh trắc học người đại diện hoặc người được ủy quyền để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, rút tiền hay thanh toán điện tử.

Sau thời gian này, nếu chưa hoàn tất cập nhật, các giao dịch chuyển tiền, rút tiền qua dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ tạm dừng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường an toàn bảo mật.

1751339031759.png

Các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh bắt buộc phải hoàn tất xác thực sinh trắc học người đại diện (Ảnh: Vĩ Quang).

Với người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức, đồng thời là khách hàng cá nhân đã được thu thập và đối chiếu giấy tờ tùy thân và sinh trắc học tại ngân hàng, để thuận tiện cho khách hàng, căn cứ vào thông tin khách hàng đã cung cấp/đăng ký tại ngân hàng, các ngân hàng đã chủ động cập nhật kết quả đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và sinh trắc học từ dữ liệu khách hàng cá nhân sang dữ liệu người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức.

Có 2 cách thực hiện xác thực sinh trắc học gồm trực tiếp thực hiện tại quầy giao dịch và thông qua app ngân hàng, chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam.

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Thành viên mới đăng

Back
Top